Báo cáo 2024 Consumer Trends của Euromonitor International đã tổng hợp 6 xu hướng về hành vi người tiêu dùng dựa trên nghiên cứu độc quyền, các cuộc phỏng vấn, khảo sát và đóng góp từ chuyên gia trong ngành. Từ báo cáo này, Doanh nghiệp có thể đúc kết những điểm cần lưu ý cho chiến lược phát triển trong năm tới của mình.

1. Người Tiêu Dùng Ngày Càng Tương Tác Với AI 

Năm 2023 là một năm bùng nổ của AI tạo sinh, đơn cử như ChatGPT đã cán mốc 100 triệu người dùng chỉ sau hai tháng ra mắt. Người tiêu dùng ứng dụng các công cụ AI này cho nhiều mục đích như sáng tạo nội dung nghệ thuật âm nhạc, mĩ thuật, hay các lĩnh vực kinh tế khác có thể ứng dụng. 

Thương hiệu có thể ứng dụng AI để tạo ra lợi thế cạnh tranh bằng nhiều cách. Ví dụ, thương hiệu có thể dùng AI để hỗ trợ quá trình đổi mới từ đó đẩy nhanh chiến lược go-to-market. Ngoài ra, AI có thể tổng hợp dữ liệu người dùng để đề xuất chiến lược sản phẩm mới, cá nhân hóa các chiến dịch marketing, trưng bày và dịch vụ khách hàng ở quy mô đáng kể.

2. Người Tiêu Dùng Ưu Tiên Việc Đi Tìm Trải Nghiệm Tích Cực

Trong bối cảnh kinh tế, xã hội biến động những năm gần đây, người tiêu dùng thường xuyên đối mặt với cảm giác khủng hoảng và tiêu cực. Vì vậy, họ luôn tìm kiếm những khoảnh khắc vui vẻ, tích cực mỗi ngày giữa nhịp sống bộn bề lo toan và mệt nhọc.

Nắm bắt được insight của người tiêu dùng, thương hiệu có thể kết nối sâu sắc hơn với chính khách hàng của mình thông qua tiếp thị cảm xúc. Cụ thể, thương hiệu có thể gắn sản phẩm với một ý nghĩa tích cực nhằm khơi gợi cảm giác vui vẻ của người tiêu dùng với thương hiệu, ví dụ như ra mắt bộ sưu tập phiên bản giới hạn có thiết kế đặc sắc hoặc thiết kế những trải nghiệm thương hiệu tương tác.

3. Nói Không Với Greenwashing

Những năm gần đây, người tiêu dùng ngày càng gia tăng ý thức về việc bảo vệ hành tinh. Hơn 60% người tiêu dùng cố gắng tạo tác động tích cực đến môi trường trong năm 2023. Dù vậy, những vấn đề về biến đổi khí hậu vẫn không có dấu hiệu chậm lại. Người tiêu dùng nhận ra đóng góp của cá nhân không thể tạo nên tác động thực sự đáng kể. Vì thế họ chuyển kỳ vọng sang doanh nghiệp và mong muốn các tổ chức đưa bằng chứng về cam kết thân thiện với môi trường của mình.

4. Hành Vi Phức Tạp Và Nhiều Sắc Thái

Những sự kiện chính trị - xã hội phần nào phản ánh bản sắc cá nhân và góp phần định hình quan điểm, thái độ của người tiêu dùng. Do đó có thể thấy người tiêu dùng có hành vi phức tạp ở nhiều sắc thái. Một số người sẽ ủng hộ thương hiệu phù hợp với giá trị của họ và hành vi mua hàng thường phản ánh cách họ muốn được nhìn nhận. Nhưng đồng thời, một số người tiêu dùng khác khá thờ ơ với quan điểm của doanh nghiệp và chỉ đơn giản tìm kiếm sản phẩm dựa trên giá cả, chất lượng hoặc lợi ích.

5. Chuyên Gia “Săn” Giá Trị 

Gần 3/4 người tiêu dùng lo ngại về chi phí gia tăng của các mặt hàng tiêu dùng nhanh nên họ buộc phải chuyển sang những lựa chọn rẻ hơn. Ngay cả khi lạm phát được khắc phục, sức mua của người tiêu dùng vẫn không có sự cải thiện đáng kể. Theo đó, tuy tiết kiệm vẫn là ưu tiên hàng đầu nhưng nhóm người tiêu dùng chuyên “săn” giá trị (value hacker) sẽ cố gắng giảm chi tiêu nhưng không hi sinh chất lượng.

6. Chủ Nghĩa Thực Dụng Về Sức Khỏe

Mong muốn trở thành phiên bản tốt hơn của người tiêu dùng không thay đổi nhưng cách chăm sóc của họ đang có sự chuyển biến. Họ sẽ không ưu tiên các phác đồ nhiều bước hoặc phương pháp điều trị mất nhiều thời gian mà sẽ tìm kiếm sản phẩm có lợi ích thấy được trong thời gian ngắn.

­