Triển lãm quốc tế Trang sức & Đồng hồ lần thứ 18 đang diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh đã thu hút được 50 doanh nghiệp cùng hơn 100 gian hàng góp mặt.
Ngày 8/6/2024, Triển lãm quốc tế Trang sức & Đồng hồ lần thứ 18 tại Việt Nam - IJV 2024, đã diễn ra tại nhà thi đấu Nguyễn Du, quận 1, TP. Hồ Chí Minh.
Triển lãm thu hút hơn 100 gian hàng của 50 doanh nghiệp, đơn vị đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như: Campuchia, Trung Quốc, Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc), Ấn Độ, Ý, Ba Lan, Sri Lanka, Thái Lan và Việt Nam…
Tại đây trưng bày nhiều sản phẩm như: Kim cương, ngọc bích, hồng ngọc, đá quý màu, hổ phách, ngọc trai..., đến các bộ sưu tập trang sức hấp dẫn làm từ trang sức vàng, bạc và các máy móc, thiết bị, dụng cụ, hóa chất, bao bì cho ngành trang sức. Đây là điểm hẹn của trang sức Việt Nam và thế giới.
Đại biểu tham quan gian hàng tại Triển lãm quốc tế về Trang sức và Đồng hồ tại Việt Nam 2024 - IJV
Bên cạnh việc trưng bày, giới thiệu nữ trang, đá quý, VIJF 2024 còn xuất hiện các bộ sưu tập mới nhất của những thương hiệu trang sức nổi tiếng của Việt Nam và nước ngoài như: Chi hội đá quý TP. Hồ Chí Minh, Công ty Kiran xuất khẩu (Hồng Kông) Ltd, Công ty CFAN Instrument chuyên về R&D từ Trung Quốc, công ty Asolo Gold Spa (Ý), Everest Gems Co.,Ltd, Công ty TNHH thiết kế bao bì Shenzhen Shenfutai, Công ty Asian Star Group Ấn Độ, Công ty Asian Star … Đây còn là một cuộc trình diễn của các doanh nghiệp về những loại máy móc thiết bị dành cho việc chế tác và sản xuất nữ trang, đá quý; máy móc thiết bị kiểm định…
Đại diện ban tổ chức triển lãm cho biết, Triển lãm quốc tế lần thứ 18 về trang sức và đồng hồ tại Việt Nam 2024 - IJV 2024, diễn ra vào thời điểm này sẽ thu hút các doanh nghiệp, doanh nhân và cá nhân trong nước nhận đặt hàng cho mùa cao điểm cưới sắp tới, đồng thời các nhà sưu tập tư nhân và khách mời VIP có cơ hội mua sắm trang sức để sử dụng cá nhân hoặc làm quà cho người thân.
Đông đảo khách tham quan tại Triển lãm quốc tế Trang sức và đồng hồ Việt Nam 2024 - IJV
Theo TS. Hoàng Thế Ngữ - Chủ tịch Hội đá quý Việt Nam, tiềm năng thị trường đá quý của Việt Nam có nguồn tài nguyên phong phú, với địa chất đa dạng, sở hữu nhiều vùng mỏ đá quý với đa dạng loại hình và chất lượng cao như ruby, sapphire, spinel, aquamarine và topaz. Các vùng khai thác nổi tiếng bao gồm Yên Bái, Quỳ Châu (Nghệ An), Lục Yên và Gia Lai. Bên cạnh đó, các mỏ đá quý ở Việt Nam được đánh giá là có trữ lượng lớn, đáp ứng nhu cầu khai thác lâu dài.
Ngoài ra, Việt Nam cũng chú trọng đầu tư vào công nghệ khai thác và chế tác hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm và tối ưu hóa quy trình sản xuất. Bên cạnh đó còn có các chương trình đào tạo chuyên môn cao giúp nâng cao tay nghề của người lao động, đảm bảo chất lượng chế tác đá quý ngày càng hoàn thiện hơn.
Cũng theo ông Ngữ, nhu cầu sử dụng đá quý trong nước ngày càng tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực trang sức và phong thủy. Ngoài ra, Việt Nam cũng mở rộng thị trường xuất khẩu đá quý sang nhiều quốc gia, bao gồm Nhật Bản, Thái Lan, các nước châu Âu và Mỹ.
“Thực tế hiện nay, phần lớn đá quý Việt Nam đang được xuất khẩu nhiều dưới dạng thô. Chúng ta hy vọng rằng, với tiềm năng về tài nguyên đá quý phong phú, với khát vọng vươn lên làm giàu, ngành công nghiệp đá quý và trang sức Việt Nam trong tương lai sẽ sớm phát triển mạnh mẽ hơn để sánh vai với các nước trong khu vực”. ông Ngữ cho biết thêm.
Triển lãm do Công ty cổ phần quảng cáo và hội chợ thương mại Vinexad, phối hợp cùng Công ty Triển lãm Quốc tế WTF HồngKông (Trung Quốc) tổ chức, diễn ra từ nay đến hết ngày 11/6/2024.
Theo nguồn của Báo Công Thương