Việc tìm giải pháp hỗ trợ, liên kết chặt chẽ trong và ngoài vùng Đông Nam Bộ trong công tác xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu hết sức quan trọng.Vùng Đông Nam Bộ gồm TP. Hồ Chí Minh và 5 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh.
Vùng Đông Nam Bộ gồm TP. Hồ Chí Minh và 5 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh. Các tỉnh, thành trong vùng liên kết, tiếp giáp với nhiều vùng khác, như: phía Bắc giáp với Nam Trung Bộ và Nam Tây Nguyên, là những vùng giàu tài nguyên, khoáng sản; phía Tây và Tây - Nam giáp đồng bằng sông Cửu Long, nơi có tiềm năng lớn nhất về nông nghiệp của cả nước; phía Đông và Đông Nam giáp biển Đông, giàu tiềm năng phát triển kinh tế biển, nhất là tài nguyên hải sản, dầu mỏ và khí đốt, cũng như thuận tiện kết nối với tuyến đường biển quốc tế quan trọng, nhộn nhịp bậc nhất thế giới, kết nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương; phía Tây Bắc tiếp giáp với Campuchia, có cửa khẩu Mộc Bài, Xa Mát (Tây Ninh), tạo thuận lợi cho việc giao lưu, hợp tác với Campuchia, Thái Lan, Lào, Myanmar theo tuyến đường bộ xuyên Á.
Đánh giá về tiềm năng của vùng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết: Sở hữu tiềm năng, lợi thế vượt trội về tự nhiên, vị trí địa lý kinh tế - chính trị chiến lược kết nối các vùng kinh tế khu vực phía Nam và cả nước với các nước khu vực ASEAN và thế giới, Đông Nam Bộ đảm nhiệm vai trò đầu tàu kinh tế và trung tâm phát triển thương mại, công nghiệp, du lịch, dich vụ lớn nhất của cả nước; trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài, là khu vực tiềm năng cho quá trình dịch chuyển và tái cấu trúc chuỗi cung ứng, tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Đông Nam Bộ đảm nhiệm vai trò đầu tàu kinh tế và trung tâm phát triển thương mại, công nghiệp, du lịch, dich vụ lớn nhất của cả nước.
"Thời gian qua, khu vực Đông Nam Bộ trở thành vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, đi đầu trong hội nhập, phát triển công nghiệp, thương mại và thu hút đầu tư, với nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm có thương hiệu" - Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho hay.
Cũng theo Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương, mặc dù chỉ chiếm hơn 7% tổng diện tích và gần 20% dân số cả nước, nhưng vùng Đông Nam Bộ là vùng kinh tế năng động, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP cả vùng ước đạt 5,06%, cao hơn mức tăng 5,05% của cả nước; thu hút 11.390 triệu USD nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, chiếm 31,1% vốn FDI của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, về xuất nhập khẩu, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu của vùng năm 2023 đạt 220,5 tỷ USD, 6 tháng đầu năm 2024 đạt 115,7 tỷ USD, chiếm 31% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Hàng hóa xuất khẩu của vùng đã có mặt ở gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó tập trung ở các thị trường truyền thống, đặc biệt với các thị trường mà Việt Nam đã có hiệp định thương mại tự do như Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN…
Thực tế cho thấy, để hiện thực hoá khát vọng thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, ngày 04/5/2024 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 370/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu quy hoạch đến năm 2030, Đông Nam Bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, có công nghiệp phát triển, vượt qua ngưỡng thu nhập cao, đời sống vật chất, tinh thần của người dân dẫn đầu cả nước; là vùng động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước, phát triển năng động, tốc độ tăng trưởng cao; trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực.
Đồng thời, Quyết định cũng xác định, vùng cần phải đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục, đào tạo, y tế, phát triển kinh tế xanh, phát thải cac-bon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển nhanh hệ thống đô thị xanh, thông minh, hiện đại.
Ngày 31/7, Cục Xúc tiến thương mại sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đông Nam Bộ.
Theo đó, để tạo ra bước chuyển biến mới, có tính đột phá trong việc phát huy vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế phát triển của vùng; đồng thời tiếp tục phát huy những kết quả, thành tựu to lớn đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, vượt qua những khó khăn, thách thức mới đang đặt ra trong phát triển vùng Đông Nam Bộ, các chuyên gia cho rằng, cần phải có hàng loạt các giải pháp, bao gồm các giải pháp thúc đẩy khoa học, công nghệ, liên kết chuỗi trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm, liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu theo quy mô chuyên nghiệp.
Để góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng Đông Nam Bộ cũng như từng địa phương của vùng, đưa vùng Đông Nam Bộ phát triển ngày càng lớn mạnh, các hoạt động liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong công tác xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu cần được triển khai đẩy mạnh và tạo dựng các cơ chế chính thức riêng trong liên kết vùng, tới đây, ngày 31/7, Cục Xúc tiến thương mại sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đông Nam Bộ (lần đầu tiên được tổ chức ngày 13/12 năm ngoái tại tỉnh Bình Dương).
Theo đại diện Cục Xúc tiến thương mại, hội nghị lần này sẽ nhìn nhận lại những điều đã đạt được hoặc chưa được từ những ghi nhận cần thực hiện tại hội nghị năm trước, trọng tâm trong vấn đề xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu. Qua đó, hội nghị sẽ cùng bàn thảo để triển khai các giải pháp hỗ trợ, liên kết chặt chẽ, hiệu quả hơn trong và ngoài vùng Đông Nam Bộ trong công tác xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu; vì mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp của vùng ngày càng lớn mạnh, giúp các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ của vùng vươn xa hơn tới các thị trường trong và ngoài nước.
Theo nguồn của Bộ Công Thương